Một người có trí thông minh tương tác, giao tiếp cao là người dễ dàng thấu hiểu được người khác, có xu hướng hướng ngoại và có khả năng phối hợp cao.
Bạn là một nhà ngoại giao, một nhà lãnh đạo nếu có trí thông minh giao tiếp này và bạn có thể có một tài sản cực lớn nếu bạn biết tận dụng thế mạnh này của mình.
Những người nổi tiếng có trí thông minh này cao là: Gandhi, Obama, Bill Clinton. Họ có khả năng lôi cuốn người khác thông qua trí thông minh quan hệ với con người. Với những người có trí thông minh này, bạn luôn thấy có một hàng dài những người đi theo họ.
Bạn có nghe câu : 80 % thành công của một con người là do khả năng giao tiếp quyết định và chỉ có 20 % thành công là đến từ kiến thức chưa. Nếu chưa tin bạn có thể tìm đọc về các nhà lãnh đạo nổi tiếng như Abraham Lincoln, tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ người đã lãnh đất nước vượt qua nội chiến, là người tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ….. Hay Andrew Carnegie, ông vua thép tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ và thế giới. Ông mới học hết lớp 4 trường làng. Tuy vậy, ông lại tập hợp quanh mình toàn triệu phú và là người tạo ra nhiều triệu phú nhất trong thời của ông.
Đặc điểm của người có trí thông minh giao tiếp/Tương tác cao
- Tôi thường là người được người khác tìm đến để nghe lời khuyên và tư vấn về công việc.
- Tôi thích lãnh đạo và thích làm việc trong một nhóm hơn là làm việc một mình.
- Khi tham gia vào đội nhóm, tôi thường nghĩ ra được nhiều ý tưởng hay hơn là ngồi một mình.
- Tôi cảm thấy thoải mái khi đứng trước đám đông.
- Tôi có khả năng diễn đạt lưu loát ý tưởng của mình trước một người cũng như nhiều người.
- Tôi nhận được sự ủng hộ của nhiều người khi đề xuất ý kiến.
- Tôi có ít nhất 3 người bạn thân.
- Tôi có một nhóm chuyên gia, sẵn sàng tư vấn tôi khi cần.
- Tôi là người kiên nhẫn lắng nghe và thấu hiểu người khác cũng như quan điểm của người khác.
- Tôi thích chơi các môn thể thao mang tính đồng đôi. Tôi thích việc lãnh đạo cả đội đạt những mục tiêu thay vì tự mình làm để đạt mục tiêu.
- Tôi không thích các môn chơi mang tính cá nhân.
- Tôi thích tham gia vào các hoạt động xã hội liên quan đến công việc của mình.
- Tôi thích ngồi với bạn bè và người thân vào buổi tối hơn là ngồi nhà một mình suy ngẫm.
- Tôi thích đọc các sách về nghệ thuật lãnh đạo, thuật giao tiếp.
- Khi có một sự kiện nào cần người lãnh đạo bạn thường cảm thấy một sự thôi thúc bên trong khiến bạn phải xung phong nhận lấy nhiệm vụ lãnh đạo. Và bạn thực sự làm tốt vai trò lãnh đạo.
Các biện pháp giúp tăng cường trí thông minh giao tiếp, tương tác:
Nói với giọng nhiệt tình, quyết đoán
Nói lí nhí là dấu hiệu của sự thiếu tự tin. Nếu là người nói chậm, bạn nên luyện tập cách nói to, nhanh và dứt khoát hơn. Hãy ngẩng cao đầu và nói một cách rõ ràng, khẳng khái.
Không nói vòng vo
Khi được hỏi, hãy trả lời thẳng thắn và trực tiếp. Bạn có thể dành vài giây suy nghĩ nhưng đừng trả lời một cách vòng vo, đi ra ngoài chủ đề cuộc đối thoại. Hãy nói một cách trực tiếp để chứng tỏ sự tự tin của mình cũng như thể hiện sự tôn trọng thời gian của đối phương.
Tránh ậm ừ
Những từ dư thừa như “à, ừ” đã tố cáo sự lo lắng, hồi hộp hay không nắm rõ thông tin của bạn. Đặc biệt trong những buổi thuyết trình, sự ậm ừ sẽ khiến mọi người đánh giá thấp bạn. Vì vậy, bạn cần hạn chế tối đa thêm các từ đó trong cuộc nói chuyện của mình.
Sử dụng ngôn ngữ cử chỉ “phản chiếu”
Ngôn ngữ cử chỉ cũng quan trọng không kém lời nói. Theo Susan Constantine, một chuyên gia về ngôn ngữ cử chỉ, 90% giao tiếp của chúng ta là phi ngôn ngữ. Vì vậy, khi giao tiếp hãy chú ý tới ngôn ngữ cử chỉ của bạn.
Đặc biệt, bạn nên tận dụng ngôn ngữ cử chỉ “phản chiếu”, tức là có hành động giống như người nói chuyện cùng mình. Chẳng hạn, trong cuộc phỏng vấn tìm việc, nếu nhà tuyển dụng hơi ngả người về phía trước, bạn cũng nên làm như vậy. Tất nhiên, bạn phải thực hiện một cách tế nhị, khéo léo, tránh để người phỏng vấn có cảm giác bạn đang trêu tức anh/cô ấy.
Hỏi lại những điều chưa rõ
Đây là cách bạn thể hiện sự tham gia và tập trung vào cuộc nói chuyện. Hơn nữa, hỏi lại những điều mình chưa rõ sẽ giúp bạn nhìn nhận và tương tác với người nói chuyện một cách chính xác, hiệu quả hơn.
Liên lạc qua ánh mắt
Ánh mắt có thể thể hiện sự tự tin, quả quyết và thấu hiểu. Người đối diện sẽ biết bạn có thoải mái, tự tin và nắm được vấn đề trong cuộc nói chuyện hay không thông qua ánh mắt của bạn.
Chứng tỏ khả năng giao tiếp qua văn viết
Bên cạnh nói, viết cũng là cách thức thể hiện phong cách giao tiếp của bạn bởi các công việc hiện nay đều đòi hỏi kỹ năng viết ở một mức độ nào đó, đơn giản nhất là qua email trao đổi nhiệm vụ hằng ngày. Vì vậy, bạn có thể chứng tỏ sự tiến bộ trong kỹ năng giao tiếp của mình qua các bài viết trên blog, mạng xã hội… Tất nhiên, nội dung của chúng phải liên quan tới lĩnh vực của bạn.
Nhớ tên người đối diện
Khi gặp đối tác, khách hàng hay sếp/đồng nghiệp mới, hãy nhanh chóng nhớ tên của họ và gọi một cách thân mật. Ví dụ, thay vì nói một cách chung chung “Rất vui được gặp anh”, hãy nêu tên cụ thể của người đó “Rất vui được gặp anh Minh”. Như vậy, bạn sẽ gây thiện cảm tốt hơn với người nói chuyện cùng.
Tạo sự thân mật
Những cuộc nói chuyện thành công là những cuộc nói chuyện mang lại cảm giác như một cuộc trao đổi thân tình chứ không phải như một cuộc thẩm vấn. Hãy thoải mái, thân thiện khi giao tiếp, tỏ ra cứng rắn khi cần thiết và không nên liên tục ngắt lời đối phương.