fbpx

GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA BẠN LÀ GÌ?

Một anh bạn khoe vừa xây xong bộ giá trị cốt lõi dựa trên 4 chữ cái đầu tiên của tên công ty anh ấy. Tôi hỏi giá trị cốt lõi này từ đâu mà anh có? Anh ấy nói rằng nghĩ cả ngày mới ra được, vì phải tra từ điển của 4 chữ cái và suy ra 4 giá trị cốt lõi…

Tôi nghĩ, không phải riêng anh bạn tôi mà có tương đối nhiều các chủ doanh nghiệp thường không quan tâm đến văn hóa giá trị cốt lõi, họ chỉ làm cho đủ bộ Sứ mệnh – Tầm nhìn – Giá trị cốt lõi để cho có với đời với người. John C.Maxwell cũng từng khẳng định rằng: “Văn hóa quan trọng hơn gấp 10 lần sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp.” Văn hóa sẽ nuôi dưỡng sứ mệnh doanh nghiệp, ăn sâu vào lời nói hành vi của từng nhân viên và đi cùng họ trong suốt thời gian làm việc thậm chí cả cuộc đời.

Giá trị cốt lõi phải xuất phát từ chính người chủ doanh nghiệp, từ tố chất, tính cách và thái độ. Đó là điểm mạnh là core value của người sáng lập và chỉ có những ai có cùng hệ giá trị mới có thể tồn tại lâu dài cùng doanh nghiệp. Giá trị cốt lõi còn là tấm “biển nhắc nhở” tuyệt đối không được bất cứ ai vi phạm đi ngược lại những giá trị ấy.

Công ty Fujita có một hợp đồng ở Chicago ở Mỹ giao 3 triệu thìa và nĩa vào ngày 1/9. Không may là quá trình sản xuất bị truc trặc, nên họ hoàn thành đơn hàng này vào ngày 31/8, tức chỉ còn 1 ngày đến thời điểm giao hàng. Vì nếu giao trễ thì sẽ liên quan đến nhiều tổn thất của khách hàng, đồng thời vi phạm vào một trong những giá trị cốt lõi của họ là “nhanh chóng”. Vì thế Fujita quyết định thuê 1 chiếc máy bay Boeing giao hàng cho đối tác đúng thời hạn. Việc này gây tổn thất doanh thu cho Fujita rất nhiều, nhưng Fujita đã quyết định “cắt máu” mình để giữ cam kết vì nó liên quan đến giá trị cốt lõi của mình đồng thời cũng gây thiệt hại cho khách hàng.

Một câu chuyện khác về Toyota tôi có đọc đâu đó khiến tôi nhớ mãi. Vào một ngày mưa to tại Chicago, khi cần gạt nước của chiếc xe Toyota của 1 người đàn ông bị hỏng, anh ta phải dừng và đậu xe bên đường chờ mưa tạnh mới tiếp tục hành trình. Bất ngờ có một cụ già tiến lại sửa cần gạt nước và không yêu cầu thêm thứ gì. Người đàn ông thắc mắc hỏi: “Cụ là ai, sao lại làm như vậy?” Cụ đáp: “Tôi chính là nhân viên đã về hưu của Toyota, khi nhìn thấy xe của công ty mình bị hỏng, tôi biết mình có nghĩa vụ phải sửa chữa nó”. Sửa xong, người đàn ông muốn bồi dưỡng chút tiền cho cụ, nhưng cụ kiên quyết từ chối và rời đi ngay sau đó. Điều này khiến người đàn ông càng cảm phục trước giá trị cốt lõi mà Toyota hướng đến cộng đồng. Đặc biệt là sức mạnh của sứ mệnh và văn hóa Toyota đã khắc sâu đến từng tế bào của mỗi nhân viên. Từ đó họ xem công việc của công ty chính là sứ mệnh của bản thân và có trách nhiệm thực thi trong mọi hoàn cảnh.

Vì vậy hãy nghiêm túc ngồi lại xây dựng bộ văn hóa giá trị cốt lõi, lên kế hoạch truyền thông cả trong và ngoài doanh nghiệp, rồi nuôi dưỡng và biến nó thành hành vi của toàn bộ nhân viên để trở thành lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Call Now Button